Ngày đăng: 02:07 PM 20/09/2019 - Lượt xem: 2966
Nguồn suối nước khoáng nóng Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã tạo nên đặc sản nếp Cút nổi tiếng. Nếp Cút, đậu xanh, trứng gà hòa quyện men rượu, hạ thổ 100 ngày trong lòng đất tạo nên hương vị quyến rũ rất riêng cho rượu nếp Cút. Sau bao thăng trầm, rượu nếp Cút sẽ được khôi phục.
- Nói về cái ngon của nếp Cút, thì người dân ở thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ kể hoài không hết. Không biết từ bao giờ, tại vùng đầm lầy Rộc nước nóng ở thôn An Hội Bắc 1 cấy giống nếp Cút cho chất lượng tuyệt hảo.
- Tinh hoa thiên nhiên ban tặng từ dòng suối khoáng bùn ở xã Nghĩa Thuận chảy xuống vùng đầm lầy Rộc nước nóng đã tạo nên hương vị nếp Cút đậm đà, dẻo, thơm lừng, ngon tuyệt, đặc biệt có thể bảo quản trong 10 ngày mà không “lại nếp” như các giống nếp khác.
- “Nếp Cút chỉ có hương vị đặc trưng riêng khi gieo mạ cấy ở cánh đồng Rộc nước nóng. Nếu đem giống nếp này đến trồng ở nơi khác hoặc đem giống nếp khác cấy vào vùng này sẽ không có mùi thơm ngon” – bà Đào Thị Hảo (74 tuổi) nói về giống nếp quý của quê hương mình.
- Hằng năm đến tháng 3 âm lịch, bà cùng 150 hộ dân ở thôn An Hội Bắc lại ngâm nếp Cút ủ giống bắt mạ, đến tháng 5 âm lịch cấy mạ xuống ruộng. Tháng 9 âm lịch là vụ mùa thu hoạch nếp Cút. Canh tác trên đất bùn lầy, thời điểm thu hoạch gặp mưa gió nên việc trồng trọt hết sức khó khăn, tuy nhiên, mọi người đều có ý thức gìn giữ giống nếp quý.
- Sau khi thu hoạch, mọi người chọn bông nếp đẹp nhất giữ lại làm giống cho vụ sau, còn lại bán lấy tiền và không quên giữ lại một ít để nấu xôi, gói bánh chứng, bánh tét, làm bánh nổ, bánh in, đặc biệt là ủ rượu nếp thiết đãi khách dịp Tết.
- Các cụ cao niên kể, từ thời xa xưa, người dân ở thôn An Hội Bắc 1 đã biết chế biến đặc sản rượu nếp Cút thơm ngon, tinh khiết. Rượu có hương vị đặc biệt nhờ nguyên liệu là nếp Cút, men rượu hòa quyện với đậu xanh, trứng gà ủ trong chum sành hạ thổ đúng 100 ngày trong lòng đất.
- Ông Nguyễn Văn Sơn, ở tổ dân phố 1, thị trấn La Hà, một chàng rể ở thôn An Hội Bắc 1, nông dân chuyên sản xuất rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhật” cho biết, để sản xuất đặc sản rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhật” cần phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn nếp, nấu cơm, hấp đậu, vô men, trộn trứng, cho vào chum, hạ thổ…
- Đúng 100 ngày, đào lấy chum sành lên đổ vào máy vắt lấy rượu. Làm như vậy thì rượu mới thơm, ngon, tạo ra hương vị rượu nếp Cút ngọn dịu, thơm đặc trưng.
- Từ lâu, không chỉ nếp Cút mà rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” được xem như một loại đặc sản ở vùng quê Nghĩa Kỳ. Không chỉ mang lại hương vị thơm ngon, rượu nếp Cút còn có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe.
- Với nhiều ưu điểm, mang lại giá trị kinh tế cao, giá bán nếp Cút gấp 3 lần gạo, rượu nếp Cút gấp 10 lần rượu gạo, nhưng bị ảnh hưởng vì diện tích đầm ngày bị thu hẹp vì nhường cho dự án. Người dân trồng nhỏ lẻ nên chưa phát huy được thế mạnh sẵn có của giống nếp Cút.
- Toàn huyện Tư Nghĩa chỉ có sản phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn được cơ quan chức năng công nhận thương hiệu rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt”. Sau 2 năm sản xuất thử nghiệm, năm 2018, gia đình ông Sơn mở rộng quy mô sản xuất lên 350 lít, cho lợi nhuận gần 90 triệu đồng. Sản phẩm rượu nếp Cút bán rất chạy, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
- Để bảo tồn, phục tráng giống nếp Cút, phát huy thế mạnh của sản phẩm bản địa, phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, huyện Tư Nghĩa vừa chọn sản phẩm rượu Nếp Cút “ Hạ thổ bách nhựt” để đăng ký thực hiện chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” cho xã Nghĩa Kỳ nói riêng và huyện Tư Nghĩa nói chung.
- Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, với thành công từ việc xây dựng thương hiệu rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, huyện tin tưởng và chọn sản phẩm này cho chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” để quảng bá, nhân rộng.
- Để tạo thương hiệu uy tín, rượu nếp Cút cần lưu giữ nguồn gen quý nếp Cút, huyện sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô, xây dựng định danh, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Từ đó, tập huấn, hướng dẫn cho người dân sản xuất rượu nếp Cút theo hướng VietGap, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
- Cùng với đó, huyện Tư Nghĩa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm mang ra thị trường, đặc biệt là các điểm du lịch trên địa bàn như suối nước nóng Nghĩa Thuận, đưa vào siêu thị…
Xem thêm: